Cô Đồng Hoàng Anh bén duyên với chầu văn
Cô đồng Hoàng Anh sinh năm 1986, là một thanh đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Cô thường đảm nhiệm vai trò diễn xướng trong những nghi lễ hầu đồng tại các đền, đình. Ngoài ra, cô còn kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp, chuyên về thẩm mỹ, song hành với kinh doanh đá quý phong thuỷ.
Hoàng Anh bén duyên với nghề thanh đồng từ năm 27 tuổi. Khi ấy, cô bắt đầu có cảm giác thân thuộc mỗi khi bước vào đền chùa. Và khi nghe diễn xướng chầu văn, Hoàng Anh luôn cảm thấy có một động lực thôi thúc mình múa theo nhạc chầu văn.
Những kiến thức từ Đạo Mẫu cũng được Hoàng Anh áp dụng khéo léo vào công việc trong ngành thẩm mỹ, đặc biệt là kiến thức về phong thuỷ. Cô thường áp dụng vốn hiểu biết về phong thuỷ để tư vấn giải pháp thẩm mỹ cho khách hàng.

Niềm tin và lòng kiên định với tín ngưỡng thờ Mẫu
Cô đồng Hoàng Anh luôn giữ lòng kiên định vững vàng trên hành trình phụng sự Đạo Mẫu. Đến nay, nghi lễ hầu đồng vẫn còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và bị một bộ phận người dân cho là mê tín dị đoan. Thế nhưng, Hoàng Anh chưa bao giờ lung lay với sự nghiệp thờ Mẫu của mình. Đối diện với những lời chế giễu và đánh giá tiêu cực, cô giữ một thái độ bình tâm.
Với Hoàng Anh, niềm tin là một điều rất quan trọng. Hoàng Anh tin bản thân cô có thể vượt qua mọi khó khăn và định kiến, bất kể rằng phải nhận bao nhiêu lời chỉ trích về mình. Bên cạnh đó, cô thường đọc sách để tìm mối liên kết giữa tâm linh và khoa học.
Hoàng Anh tâm niệm rằng, mê tín hay không là nằm ở cách nhận thức và truyền đạt của mỗi cá nhân. Với cô, hầu đồng là một nghi lễ giúp mang lại nguồn năng lượng tích cực hơn cho con người. Điều này không liên quan đến mê tín dị đoan. Bởi lẽ, ai cũng cần đến năng lượng tích cực trong cuộc sống cũng như công việc.

Cô đồng Hoàng Anh tái hiện những giá trị truyền thống trong nghi lễ hầu đồng
Trong điện thờ của Đạo Mẫu, vị trí cao nhất thuộc về Ngọc Hoàng Đại Đế. Phía dưới là Tam Tòa Thánh Mẫu, Công Đồng Các Quan, Ngũ Vị Tôn Ông. Tiếp đó là các vị chúa, chầu,… cùng nhiều nhân vật khác. Nhìn chung, các nhân vật được thờ phụng đều có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hoá dân gian.
Trước mỗi nghi lễ, Hoàng Anh cần chuẩn bị mọi thứ một cách chỉn chu và tâm huyết. Không gian nghi lễ thường là một ngôi đền mà cô thấy hợp duyên, cùng với đó là khăn áo hầu, hoa quả và lễ dâng Thánh. Ngoài ra, Hoàng Anh cần sắp xếp người hát chầu văn và người thay khăn áo mỗi giá về ngự. Qua đây, những giá trị truyền thống được tái hiện chân thực và sống động trong nghi lễ hơn bao giờ hết.

Tính công phu và cầu kỳ của một nghi lễ
Cô đồng Hoàng Anh đặt rất nhiều tâm huyết vào nghi lễ hầu đồng. Mọi yếu tố trong nghi lễ đều được dựa trên chất liệu văn hoá dân gian. Tỷ dụ như, trên khăn, trên áo của người diễn xướng thường có những hoa văn rồng bay phượng múa được thêu vẽ đầy tinh tế. Đó đều là những hoa văn đặc trưng trên cổ phục của người Việt xưa.
Bên cạnh đó, mỗi câu hát trong nghi lễ đều có ý nghĩa riêng. Những bài hát chầu văn thường đề cập đến tình yêu quê hương hay lòng hiếu thảo,… Suy cho cùng, đó là những giai điệu nhằm hướng con người đến các đức tính cao quý, tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, Hoàng Anh không cần tập luyện phong thái biểu diễn trước khi hầu đồng. Bởi chính sự ngẫu hứng trong diễn xướng sẽ tạo nên nét đặc trưng cho một thanh đồng. Khi bước vào nghi lễ, Hoàng Anh diễn xướng rất tự nhiên và sinh động.

Cô đồng Hoàng Anh cống hiến tận tâm cho Đạo Mẫu
Cô đồng Hoàng Anh bày tỏ niềm trân trọng lớn lao với tín ngưỡng thờ mẫu. Chia sẻ về dự định trong tương lai với sự nghiệp hầu đồng, Hoàng Anh cho biết: “Mình đã, đang và sau này vẫn phụng sự cửa Thánh đến mãn chiều xế bóng. Tim còn đập phổi còn thở thì mình vẫn còn phụng sự nơi cửa Thánh.” Có lẽ thái độ tận tâm của Hoàng Anh sẽ đem lại cho cô nhiều bước tiến trong sự nghiệp và thêm nhiều cơ hội để lan tỏa tín ngưỡng thờ mẫu đến với cộng đồng.

Văn Hóa Việt cảm ơn cô đồng Hoàng Anh vì những chia sẻ vô cùng tâm huyết. Chúc cô luôn tươi trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và gặt hái thêm nhiều thành công trong sự nghiệp kinh doanh cũng như sự nghiệp hầu đồng!